Bảo vệ tai: Hội chứng NIHL - Suy giảm thính lực gây ra bởi tiếng ồn.

Tai bạn bao nhiêu tuổi? Tình trạng thính lực của bạn vẫn còn tốt, vẫn nghe rõ tiếng thì thầm bên tai? Định nghĩa hội chứng tiếng ồn giảm thính lực - NIHL

Ngày đăng: 26-02-2019

 Đang tải monospace-nihl-cover.jpg…


Lần trước mình có đưa tin về cuộc phỏng vấn giữa phóng viên với các chuyên gia của Shure về tình trạng nghe nhạc quá to có thể làm ảnh hưởng, thậm chí làm suy giảm thính lực vĩnh viễn. Nhưng không chỉ đơn thuần là do nghe nhạc quá lớn sẽ làm hại tai bạn, xung quanh bạn cũng có khá nhiều nguy cơ, chỉ là chúng ta chưa ý thức được chúng mà thôi. Tiếng ồn làm giảm thính lực (Noise-Induced Hearing Loss – gọi tắt là NIHL) là một trong những yếu tố phổ biến mà chúng ta gặp phải hàng ngày. Thường thì các tiếng ồn này không quá lớn và luôn được giữ ở một mức “chấp nhận được” nên sẽ không hoặc ít gây ảnh hưởng quá lớn đến thính giác của chúng ta. Tuy nhiên khi đạt mức quá lớn, tiếng ồn sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến thính giác một cách tạm thời (ù tai) hay thậm chí là vĩnh viễn (làm suy yếu chức năng nghe). Tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn, quá lâu, hay cả hai trạng thái này cùng lúc sẽ làm tổn thương các cấu trúc sinh học nhạy cảm của tai trong, gây ra hiện tượng giảm thính lực

Dễ nhận thấy nhất ở người nghe bị giảm thính lực là khả năng nghe sẽ kém đi ở một tai hay cả hai bên tai, đòi hỏi người nói phải lặp lại nhiều lần trong cuộc đối thoại hoặc đơn giản hơn là phải nghe các phương tiện phát thanh với âm lượng lớn. Trong điều kiện môi trường ồn ào, người bị giảm thính lực rất khó khăn khi đối thoại cũng như nhận biết các âm thanh xung quanh, gây ảnh hưởng đến các sinh hoạt thông thường trong đời sống.

Có một điều ít ai quan tâm đó là thay vì chữa trị hoặc tìm các biện pháp để “sống chung với lũ”, NIHL hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng những chú ý thận trọng hàng ngày khi phải tiếp xúc với tiếng ồn.

Những đối tượng ảnh hưởng bởi NIHL

Hầu như tất cả đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng bởi NIHL. Khoảng 15% người Mỹ trong độ tuổi từ 20 đến 69 (khoảng 26 triệu người) bị giảm thính lực do ảnh hưởng của nhu cầu công việc hay giải trí hàng ngày. Vậy lý do là từ đâu?

NIHL có thể xuất hiện từ các tiếng ồn quá lớn như tiếng rền của động cơ nặng, tiếng nổ hay do tiếp xúc thường xuyên và trong thời gian dài với các âm thanh có âm lượng lớn. Những người thường xuyên lái xe cũng rất hay gặp chứng bệnh này nhưng hầu như không ai quan tâm đến nó (thường là xe đã cải tiến động cơ và phát ra tiếng ồn rất lớn). Những người nghe nhạc bằng tai nghe có thói quen mở âm lượng lớn (thậm chí là tối đa) cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi NIHL rất cao. Chơi nhạc trong ban nhạc, đi nghe live mà không sử dụng thiết bị bảo vệ tai cũng là một trong những nguyên nhân thường thấy.

Âm thanh có đơn vị tính là decibel (dB) và mức an toàn cho thính lực khi nghe trong thời gian dài là các âm thanh có giá trị dưới 75dB. Tiếp xúc lâu dài với âm thanh trên 85dB sẽ làm ảnh hưởng đến thính lực và với mức decibel càng cao, NIHL càng nhanh chóng xảy ra.

Khoảng cách và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn cũng là các yếu tố chính quyết định ảnh hưởng nhanh hay chậm của NIHL. Nguyên tắc đơn giản để phòng tránh NIHL là không tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn, quá gần và quá lâu.

Các âm thanh quen thuộc hàng ngày mà chúng ta thường phải tiếp xúc có mức dB như sau:

· Tiếng động cơ tủ lạnh: 45 dB
· Hội thoại thông thường: 60 dB
· Tiếng xe cộ lúc đông đúc: 85 dB
· Tiếng xe môtô: 95 dB
· Máy nghe nhạc với âm lượng tối đa: 105 dB ( nhiều lúc mình không hiểu max cây volume để làm gì .... )
· Còi hiệu: 120 dB ( một vài xe tải hay xe buýt gần đây mình thấy còn gắn thêm kèn công suất lớn, đi ngoài đường thì tốt nhất là bạn nên né, đừng đi gần chúng )
· Tiếng pháo và tiếng súng: 150 dB

Tiếng ồn làm ảnh hưởng thính lực như thế nào

Âm thanh là các tín hiệu điện có nguồn gốc từ các thay đổi của sóng âm trong không khí đi đến tai. Các dây thần kinh thính giác trong tai sẽ truyền các tín hiệu này đến não qua các quá trình sinh học phức tạp.

Cụ thể như sau:

Sóng âm truyền đến tai ngoài sẽ đi vào ống tai và tiếp xúc với màng nhĩ. Màng nhĩ tiếp nhận sóng âm sẽ rung động và truyền những rung động này đến ba xương nhỏ trong tai giữa là malleus, incus, và stapes. Các xương này truyền rung động đến ốc tai được chứa đầy dịch tai. Một dải đàn hồi gọi là màng đáy kéo dài từ đầu đến cuối ốc tai để phân cách nó thành hai phần trên và dưới.

Các rung động sẽ làm dịch tai tạo ra những gợn đưa dạng sóng đến màng đáy. Các tế bào sợi có chức năng cảm thụ trên màng đáy sẽ tiếp xúc với dạng sóng. Các tế bào cảm thụ này di chuyển lên xuống, trên đầu chúng là các vi tiếp điểm (còn gọi là stereocilia) sẽ lần lượt chạm vào bề mặt cấu trúc sinh học bên trên và bị cong. Khi cong, các lỗ li ti trên đầu stereocilia sẽ mở ra và tiếp xúc với các hợp chất cần thiết, tạo ra tín hiệu điện.

Dây thần kinh tiếp âm sẽ truyền tín hiệu điện này đến não, tạo ra âm thanh chúng ta có thể nghe và hiểu được.

Đang tải monospace-stereocilia-1.jpg…

Ảnh hưởng thính lực NIHL sẽ làm tê liệt hay chết các tế bào sợi này. Ở loài chim hay lưỡng cư, tế bào sợi này sẽ mọc trở lại sau một khoảng thời gian nhất định, còn ở con người thì không :D ( lỗi tại tiến hóa :D )

Các dấu hiệu nhận biết NIHL

Khi tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài, thính giác của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. Điều nguy hiểm hơn là hiện tượng này xảy ra một cách từ từ, do đó nhiều người thường chủ quan và vô tâm, cho đến khi thính giác bị ảnh hưởng quá nặng không còn cứu vãn được nữa. Thêm vào đó khi tuổi tác cao, các tế bào thường lão hóa và hoạt động kém hơn, cộng thêm NIHL sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng nghe, nhiều trường hợp phải sử dụng đến máy trợ thính để có thể phục vụ cho các sinh hoạt thường nhật.

Các tiếng động và tiếng nổ quá lớn có khả năng làm tổn thương các xương truyền âm của tai trong hay làm thủng màng nhĩ. Đây là trường hợp rất nguy hiểm và sẽ ảnh hưởng đến thính lực vĩnh viễn.

Các tiếng ồn quá lớn thông thường đều làm cho tai bị ù. Tiếng ù này sẽ giảm dần và mất hẳn trong vòng từ 16 đến 48 tiếng khi tai đã phục hồi lại, tuy nhiên nó có thể kéo dài hoặc xuất hiện lại về sau, hoặc vĩnh viễn tạo ra tiếng ù nhỏ (gần giống tiếng xì), điều này cho thấy tai đã bị tổn thương vĩnh viễn một phần nào đó.

Phòng tránh NIHL như thế nào

Đang tải monospace-nihl-prevent.PNG…


Phòng tránh NIHL khá đơn giản nếu bạn có một chút kiến thức về thính giác và biết chú ý cũng như không chủ quan về các tiếng ồn xung quanh. Sau đây là các chú ý mà bạn có thể dễ dàng ghi nhớ và thực hiện.

· Biết loại âm thanh nào nên tránh tiếp xúc (trên 85 dB)
· Đeo các thiết bị bảo vệ tai (như earplug) khi tiếp xúc với các tiếng ồn và hoạt động ồn ào
· Làm ơn nghe nhạc đừng vặn max cây
· Đi đêm, đi bar, đi nghe nhạc quẫy xin chèn bông hoặc mút vào tai

Nguồn : nicdcd.nih.gov

 

 

BÌNH LUẬN

Ý KIẾN CỦA BẠN VỀ

"Bảo vệ tai: Hội chứng NIHL - Suy giảm thính lực gây ra bởi tiếng ồn."